Ngành đóng tàu phục hồi, nhân lực cho ngành thừa hay thiếu? cần đào tạo ở đâu, học những gì? Và hướng phát triển bền vững.
Trải qua nhiều tác động của dịch Covid-19, và xung đột lợi ích của một số nước, ngành đóng tàu Việt Nam vẫn có sự hồi phục đáng kể. Chẳng hạn trong năm 2022, tổng giá trị của SBIC tăng hơn 34% so với năm 2021; Tổng doanh thu SBIC tăng hơn 14% kế hoạch năm và tăng hơn 23% so với năm 2021. Trong đó, riêng doanh thu tăng 26%, doanh thu từ sửa chữa tàu tăng 32% so với thực hiện năm 2021. Riêng Công ty đóng tàu Sông Cấm, trong năm đã bàn giao cho khách hàng là 24 tàu… Nhìn chung các doanh nghiệp đóng tàu đã ký các đơn hàng đóng mới với đối tác, tìm đủ việc làm ổn định cho công nhân. Nhưng việc thiếu hụt nguồn nhân lực đóng tàu đang là vấn đề mà doanh nghiệp đóng tàu nào cũng đang rất quan tâm để cải thiện. Bài này sẽ giới thiệu với bạn đọc một số vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp đóng tàu nói riêng và phương tiện thủy nói chung, bao gồm cả công trình ngoài khơi (từ đây gọi tắt và chung là đóng tàu).
Nhu cầu nhân lực cho ngành đóng tàu
Chúng ta đều biết yêu cầu về nhân lực ngành công nghiệp đóng mới, hoán cải tàu biển có đặc thù và phải tuân thủ theo Nghị định 111/2016/NĐ-CP về số lượng, trong đó nêu rõ: Cơ sở đóng tàu phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng riêng biệt, số lượng cán bộ tối thiểu của mỗi bộ phận như sau (tùy loại cơ sở):
- 02-04 người tốt nghiệp đại học (ĐH) chuyên ngành đóng tàu thủy, 02-04 người tốt nghiệp ĐH chuyên ngành máy tàu thủy và 01-02 người tốt nghiệp ĐH chuyên ngành điện tàu thủy;
- Cơ sở đóng tàu với thân tàu bằng vật liệu kim loại phải có tối thiểu 05 thợ hàn kim loại, 02 thợ cơ khí, 03 thợ điện và 03 thợ sơn.
- Cơ sở đóng tàu với thân tàu bằng vật liệu phi kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 03 thợ chế tạo vỏ tàu thủy, 01 thợ cơ khí, 01 thợ điện và 02 thợ sơn.
Nhân lực đề cập ở đây phải có chuyên môn ngành kỹ thuật tàu thủy. Cụ thể, ngành này chuyên về hoạt động phân tích, thiết kế và xây dựng các công trình liên quan đến tàu/phương tiện thủy. Thực tế, đây là một nhánh nhỏ của khoa học hàng hải nhằm đáp ứng được những mục tiêu về phát triển nền kinh tế biển. Cùng với công nghệ đóng tàu, kỹ thuật tàu thủy đóng vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa, là một trong những ngành đang được nhà nước chú trọng đào tạo nhất hiện nay. Chuyên môn ngành kỹ thuật tàu thủy không chỉ dừng lại ở những kiến thức về động lực cơ khí, kỹ thuật hàn, kết cấu và sản xuất tàu thủy. Đây còn là cơ hội để những ai đam mê thiết kế tàu và mong muốn tìm được một vị trí quản lý sản xuất hay trở thành thuyền trưởng đầy quyền lực. Đảng và Nhà nước ta đã có chiến lược kinh tế biển, yêu cầu phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Với xu thế đó, ngành kỹ thuật tàu thủy được đánh giá là một trong những ngành học chủ lực, có tiềm năng phát triển cao, để đáp ứng nhân lực cho những chính sách kinh tế của nhà nước cũng như nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho những công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.
Theo khảo sát, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành học đóng tàu, ngay từ năm đầu tiên đạt trên 90%. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp đặt hàng với các cơ sở đào tạo để tiếp nhận sinh viên chuyên ngành này về làm việc, trong đó có cả doanh nghiệp đóng tàu nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2015, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực ngành kỹ thuật tàu thủy đã tham gia vào thị trường lao động Việt Nam nên nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ đóng tàu thuỷ là đáng kể.
Sinh viên ngành Kỹ thuật tàu thủy (bậc đại học) khi ra trường có thể làm việc tại công ty, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tàu thủy, các cơ quan tư vấn và chuyển giao công nghệ liên quan đến tàu thủy (viện, trường, trung tâm)… Với vai trò là người lãnh đạo, quản lý, điều hành, thiết kế, tư vấn, phản biện. Cụ thể các vị trí công việc sau: Quản đốc, kỹ sư công nghệ, chuyên gia kĩ thuật trong các công ty, nhà máy chế tạo, đóng mới – sửa chữa tàu thủy; Kỹ sư thiết kế trong các Trung tâm, công ty và Viện thiết kế tàu thủy; Công ty tư vấn thiết kế tàu thủy; Đăng kiểm viên trong tổ chức đăng kiểm trong và ngoài nước như: Cục đăng kiểm Việt Nam, chi cục đăng kiểm tỉnh, khu vực, các tổ chức đăng kiểm tàu cá thuộc chi cục khai tác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các Tỉnh ven biển; Kỹ sư, nhân viên kỹ thuật trong các đơn vị liên quan như: Công ty bảo hiểm, công ty vận tải đường biển; Cán bộ giảng dạy các môn chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Với yêu cầu khá khắt khe về tính chuyên môn và sự tỉ mỉ, ngành kỹ thuật tàu thủy là một trong những ngành có mức lương cao so với mặt bằng tại Việt Nam hiện nay. Mức lương phụ thuộc phần lớn vào kinh nghiệm và năng lực cá nhân của mối người. Mức lương thấp nhất (thủy thủ, thợ máy) tàu nội địa khoảng 7 đến 8 triệu đồng/tháng, tăng dần theo chức danh: sĩ quan 20, 30 triệu đồng. Thuyền trưởng có mức lương dao động từ 50 đến 80 triệu đồng hoặc cao hơn. Đối với các chủ tàu nước ngoài, thủy thủ được trả mức lương khoảng khoảng 20-30 triệu đồng, cao nhất là thuyền trưởng, máy trưởng có thể 5.000-8.000 USD hoặc hơn.
Ngành kỹ thuật tàu thủy cần thi khối nào và học ở đâu?
Ngành Kỹ thuật tàu thủy hiện nay xét tuyển các tổ hợp môn sau: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lý); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh); D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh). Điểm chuẩn đối với ngành kỹ thuật tàu thủy có nhiều mức khác nhau, tùy vào từng trường. Có những trường chỉ lấy từ 15 điểm, cũng có trường lấy đến 26,5 điểm. Đối với hình thức xét tuyển theo bài thi đánh giá năng lực thì mức điểm sẽ khoảng 800. Như vậy, với khung điểm trên, việc trúng tuyển vào ngành kỹ thuật tàu thủy cũng không phải quá khó khăn.
Tuy nhiên, dưới đây là những trường đào tạo uy tín và chất lượng nhất, giúp các sinh viên yên tâm về chất lượng đào tạo. Các Trường có Khoa đào tạo Kỹ sư Tàu thủy hệ 5 năm; Đào tạo theo định hướng nghiên cứu, tính toán và thiết kế mô phỏng, giúp sinh viên có đủ năng lực và kỹ năng khai thác và ứng dụng các thiết bị thí nghiệm và phần mềm tiên tiến thuộc lĩnh vực chuyên ngành tàu thủy.
-
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
-
Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng
-
Học viện Kỹ thuật Quân sự: Máy tàu; Pháo tàu
-
Trường Đại học Nha Trang
-
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
-
Trường Đại học Giao thông vận tải T.P. Hồ Chí Minh
-
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Khoa Đóng tàu gồm 2 ngành Thiết kế tàu & công trình ngoài khơi và Đóng tàu & công trình ngoài khơi.
-
Trường Đại học Công nghệ GTVT: Chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí Tàu thủy và Thiết bị nổi.
Hiện trạng và hướng đào tạo nhân lực cho ngành đóng tàu
Việc đào tạo nhân lực đóng tàu trải qua nhiều năm thăng trầm cùng với sự phát triển nóng/lạnh của ngành này. Ta hãy xem xét Khoa Đóng tàu Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một minh chứng. Nếu như năm 2008, khi ngành Đóng tàu đang "hot" thì số lượng tuyển sinh đầu vào là 6 lớp với 395 sinh viên, điểm đầu vào cao nhất Trường, với 20 điểm. Nhưng đến năm 2019, tổng số lượng sinh viên vào học khoa Đóng tàu chỉ có 13 em/ tổng 90 chỉ tiêu, mặc dù điểm đầu vào chỉ có 14 điểm. Năm 2020 tuyển được 33 sinh viên; năm 2021 được 52, nhưng điểm đầu vào không được cải thiện. Do số lượng sinh viên đầu vào sụt giảm vì thế số sinh viên tốt nghiệp cũng giảm theo. Theo đó, các năm từ 2022-2025 số nhân lực đóng tàu tốt nghiệp ra trường chỉ khoảng 10 đến 20 sinh viên/năm. Trong khi đó, tổng nhu cầu chỉ riêng các DN đóng tàu ở phía Bắc cần 47 kĩ sư; và năm 2021, 2022 con số này còn cao hơn. Dự tính từ các nguồn, nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 kĩ sư kỹ thuật đóng tàu/năm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân ngành Đóng tàu thiếu nhân lực là do: xu hướng xã hội, học sinh hướng đến học các ngành kinh tế, công nghệ; khó khăn riêng của ngành Đóng tàu những năm gần đây; mức lương khởi điểm thấp; khâu truyền thông chưa tốt...
Do vậy, giải pháp được đưa ra là: tích cực tuyên truyền, kết nối trau dồi nguồn nhân lực với các cơ sở đào tạo, phối hợp tiếp nhận sinh viên thực tập tại nhà máy, có các chính sách học bổng khuyến khích cho các khoa ngành hàng hải, tìm học bổng hỗ trợ các sinh viên, cam kết làm việc tại nhà máy sau tốt nghiệp; đề xuất với các cơ quan quản lý về nhu cầu nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi để phát triển nhân lực ngành đóng tàu ...
Khoa Đóng tàu của Đại học Hàng hải có truyền thống đào tạo qua 60 năm, có mối liên hệ (để có cơ sở thực tập, làm quen với môi trường sản xuất…) với Công ty TNHH IEMV, Công ty CP Lilama 69-2, Công ty TNHH Đóng tàu Damen Sông Cấm (Hải Phòng) và nhiều cơ sở đóng tàu khác. Khoa này cũng đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành: Kỹ thuật tàu thủy (Naval Architecture and Marine Engineering).
Ngoài ra, nhân lực cho ngành đóng tàu ở bậc dưới đại học được đào tạo tại: Trường Cao đẳng Hàng hải I Hải Phòng; Cao đẳng nghề Hàng hải TP. HCM; Trường Cao đẳng VMU thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Mới đây, ngày 26/02, Khoa Đóng tàu của ĐHHHVN đã tích cực tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 7.000 học sinh THPT, các bậc phụ huynh và 80 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị giáo dục trên cả nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng nhà nước cần xây dựng một chiến lược đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về ngành công nghiệp tàu thủy của đất nước, ưu tiên đưa đi đào tạo kỹ sư đóng tàu tại các quốc gia có ngành đóng tàu mạnh để có khả năng tiếp cận được trình độ của thế giới./.
Theo http://kdt.vimaru.edu.vn/ và vami
- Đào tạo nhân lực cho ngành CNPT sẽ có thêm “cú hích” từ chính sách và thị trường
- SAMCO Và IUH Hợp Tác: Mở cánh cửa thuận lợi cho sinh viên Việt Nam
- Những lưu ý cho sinh viên ngành cơ khí mới ra trường
- Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề...
- Cơ khí Điện – Hướng nghiệp tiềm năng cho tương lai.
- TOP 10 TRƯỜNG ĐÀO TẠO KỸ SƯ CƠ KHÍ TRÊN THẾ GIỚI
- Đánh giá kỹ năng nghề công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo
- MỘT SỐ CÔNG VIỆC THÚ VỊ TẠI NHÀ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ ĐẦU ÓC KỸ THUẬT
- Xu hướng hàng đầu trong ngành Cơ khí chế tạo năm 2023
- 21 thành phố tốt nhất cho nghề làm kỹ sư cơ khí tại Mỹ
Bình luận (0)