CƠ KHÍ ĐIỆN GIÓ ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG NĂNG LƯỢNG TƯƠNG LAI

Ngày 20/11/2024, tại Công ty Cổ phần sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam (KCN Dầu khí Xoài Rạp, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), Hiệp hội Doanh nghiệp Cơkhí Việt Nam (VAMI) đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề về cơ khí Điện gió, thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành. Tham dự buổi tọa đàm có nhiều lãnh đạo cấp cao, gồm: Ông Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI);  Ông Lê Kỳ Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAMI;  Ông Vũ Văn Đảo Phó Chủ tịch VAMI, phụ trách phía Nam cùng hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí. Tọa đàm đã đi sâu vào những mục tiêu chiến lược của Quy hoạch điện VIII – văn kiện quan trọng định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam trong tương lai. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, để đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt vào tháng 5 năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi đạt 6.000MW vào năm 2030.

Tuy nhiên những vướng mắc lớn trong quá trình phát triển  các dự án điện gió khi chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng và hỗ trợ các Doanh nghiệp, cụ thể như sự thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch và cấp phép dẫn đến quy trình phê duyệt kéo dài; cơ chế giá mua điện chưa hấp dẫn, không bao tiêu sản lượng; hạ tầng truyền tải chưa đáp ứng kịp nhu cầu gây lãng phí nguồn năng lượng; thiếu chính sách hỗ trợ tài chính khiến các dự án khó tiếp cận nguồn vốn …

Các đại biểu cũng đánh giá cao những điểm tích cực từ Luật Điện lực sửa đổi, mang lại kỳ vọng lớn cho ngành điện gió. Những cải tiến đáng chú ý bao gồm:  Tinh gọn quy trình cấp phép và tích hợp quy hoạch nguồn điện vào một kế hoạch quốcgia; cơ chế đấu thầu giá mua điện minh bạch, phản ánh đúng chi phí sản xuất; khuyến khích xã hội hóa hạ tầng truyền tải: Hợp tác công tư, lập kế hoạch phát triển lưới điện đồng bộ với quy hoạch nguồn điện; chính sách hỗ trợ tàichính: Đề xuất các gói vay ưu đãi, miễn thuế nhập khẩu thiết bị và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Điểm nhấn của buổi tọa đàm là hai bài tham luận quan trọng:

  1. Ông Lê Hồng Hải – Thành viên HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam, với tham luận: “Tiềm năng thị trường chế tạo cơ khí cho điện gió”.
  2. Ông Phan Thanh Tùng – Giám đốc Phát triển Dự án Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình IPC, với tham luận: “Nội địa hóa chuỗi cung ứng ngành điện gió tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Cả hai bài tham luận đều nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong nước trong việc tham gia chuỗi giá trị điện gió, từ thiết kế, sản xuất đến vận hành và bảo trì, góp phần nâng cao giá trị nội địa hóa và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài đồng thời khẳng định: Hợp tác doanh nghiệp là chìa khoa để gia tăng nội lực ngành cơ khí.

Tọa đàm là dịp để các doanh nghiệp cơ khí chia sẻ kinh nghiệm, thách thức và cơ hội hợp tác. Đại diện các doanh nghiệp nhấn mạnh việc kết nối nguồn lực, phát huy thế mạnh chung nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị điện gió, từ sản xuất thiết bị đến vận hành và bảo trì để gia tăng năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Buổi tọa đàm kết thúc với sự thống nhất cao về mục tiêu đưa ngành cơkhí Việt Nam trở thành trụ cột trong chuỗi giá trị năng lượng tái tạo. Hiệp hội VAMI cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hợptác để ngành cơ khí ngày càng lớn mạnh, vươn tầm khu vực và thế giới.