Đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì và kết luận Hội nghị.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đã tham dự và có bài phát biểu rất đáng quan tâm tại hội nghị. Ông Phan Đăng Phong cho biết, thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân của Chính phủ, được sự phân công của Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã sớm đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho chương trình này.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng NARIME phát biểu tại Hội nghị
Cụ thể, từ năm 2011 đến nay Viện đã cử 14 kỹ sư có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ tốt tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ về điện hạt nhân tại Trường KEPCO International Nuclear Graduate School (KINGS) của Hàn Quốc. Các thạc sĩ tốt nghiệp từ KINGS đã phát huy tốt năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, quản lý dự án các công trình công nghiệp. 3 trong số thạc sĩ tốt nghiệp KINGS đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo các Trung tâm chuyên môn, phụ trách nhiều dự án lớn của Viện.
Ngoài các thạc sĩ tốt nghiệp từ trường KINGS, Viện còn có rất nhiều kỹ sư, thạc sĩ có chuyên môn, ngoại ngữ tốt sẵn sàng tham gia chương trình phát triển điện hạt nhân của Chính phủ. NARIME đã cử nhiều kỹ sư, nhà khoa học tham gia thực hiện các công việc phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân ở trong nước.
Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2008 NARIME và Tổng Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) phối hợp nghiên cứu khả năng nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân theo Bản ghi nhớ ngày 18/11/2006 giữa Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc (nay là Bộ Kinh tế tri thức).
Giai đoạn 2010-2012, Viện đã cử nhiều nhân lực phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản và LILAMA tiến hành khảo sát, nghiên cứu nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, đặc biệt cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đáng chú ý, ngày 27/8/2012, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 7984/BCT-TCNL giao nhiệm vụ cho NARIME lập Đề án về phát triển công nghiệp điện hạt nhân bao gồm những nội dung chính sau: Mô hình tổ chức, thực hiện; xác định năng lực của các đơn vị tư vấn, các ngành công nghiệp trong nước có thể tham gia vào việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - lộ trình nâng dần tỷ lệ của các doanh nghiệp trong nước tham gia vào việc thực hiện dự án điện hạt nhân; đề xuất cơ chế thực hiện. NARIME đã lập đề án và trình Bộ Công Thương.
Giai đoạn 2013-2014, NARIME cử các kỹ sư, nhà khoa học tham gia thực hiện đề tài “Nghiên cứu lò phản ứng công suất nhỏ không phải thay nhiên liệu tại chỗ FBNR (Fixed Bed Nuclear Reactor) và khả năng phát triển - xây dựng tại Việt Nam” thuộc Chương trình KC.05/11-15 do Trường Đại học Điện lực chủ trì thực hiện.
Năm 2013, NARIME ký hợp đồng với Viện Năng lượng thực hiện công tác “Nghiên cứu đánh giá khả năng tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân của các đơn vị trong nước”. NARIME chịu trách nhiệm: Nghiên cứu và báo cáo về khả năng chế tạo và cung cấp thiết bị cơ điện, khả năng lắp đặt thiết bị, khả năng cung cấp vật tư xây dựng, khả năng xây dựng và vận chuyên giao nhận vật tư thiết bị của các tổ chức trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong nói: “Theo các tài liệu chúng tôi nghiên cứu với các đối tác nước ngoài và trong nước, Việt Nam có thể nội địa hóa ít nhất 30% giá trị bao gồm cả phần xây dựng cho nhà máy điện hạt nhân”.
Trên cơ sở nguồn nhân lực và kinh nghiệm tham gia chương trình phát triển điện hạt nhân kể trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí nêu 3 kiến nghị với Bộ Công Thương:
Thứ nhất, Bộ Công Thương cần xây dựng một chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị điện hạt nhân, bao gồm một chùm đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Khi thực hiện từng đề tài đó thành công, chúng ta sẽ tiến tới việc hoàn thành quá trình nội địa hóa nhà máy điện hạt nhân.
Thứ hai, tạo điều kiện cho Viện tiếp tục tham gia các đề tài, chương trình, nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới nhằm nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân.
Thứ ba, tạo điều kiện cho các kỹ sư, thạc sĩ… của Viện tham gia các chương trình đào tạo nguồn nhân lực do Bộ Công Thương, quốc gia và quốc tế tổ chức để nâng cao trình độ nguồn nhân lực, sẵn sàng tham gia công tác nội địa hóa, bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị nhà máy điện hạt nhân.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho rằng, nguồn nhân lực có vai trò then chốt cho sự thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng rất cần thiết. “Các trường cần tăng cường “bắt tay” hợp tác, liên kết trong đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các dự án điện hạt nhân”.
Sau khi nghe báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có kết luận và giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Vụ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan về xây dựng nhà máy điện hạt nhân …; Các nhiệm vụ được xác định thời gian hoàn thành cụ thể, trong nội bộ xong trong quý II/2025, chậm nhất là trong tháng 7/2025 và liên quan đến hợp tác với nước ngoài xong trong quý III/2025. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các đơn vị báo chí, truyền thông thuộc Bộ chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông trên các nền tảng thông tin về vai trò, lợi ích, sự an toàn của năng lượng hạt nhân và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ về phát triển điện hạt nhân để tạo sự đồng thuận xã hội về triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của đất nước trong thời gian tới.
Hội nghị thống nhất cao về sự cần thiết phải chuẩn bị từ sớm, từ xa nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN), nhân lực kỹ thuật cho Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, bởi nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật là yếu tố then chốt, mang ý nghĩa chiến lược, bảo đảm sự thành công cho Chương trình và việc chuẩn bị nguồn nhân lực cần đi trước một bước, đáp ứng mục tiêu phát triển điện hạt nhân an toàn, hiệu quả và bền vững.
Như vậy, với sự đồng hành, triển khai quyết liệt của Nhà nước và các doanh nghiệp, Viện, Trường, có sự chuẩn bị sớm, cùng lộ trình triển khai cụ thể, việc nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân chắc chắn sẽ thực hiện được./.
Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới cung cấp khoảng 375.320 MW. Các quốc gia vẫn không ngừng xây dựng và phát triển nguồn năng lượng này theo các công nghệ mới, hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn ở mức độ cao nhất.
Ngày 31/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết này có một nội dung là Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng (11/2016).
Nguồn: Tài liệu Narime, Kỷ yếu Hội thảo
- Vài dòng về Công nghiệp đường sắt
- Dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam thu hút sự quan tâm toàn cầu
- Phát triển các dự án đường sắt cao tốc ở một số nước trên thế giới: Thành công, thất bại...
- Nhật Bản muốn triển khai 15 dự án năng lượng trị giá hơn 20 tỷ USD tại Việt Nam, mở ra cơ...
- Thực trạng hiện tại của ngành cơ khí Việt Nam
- Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam, cơ hội và thách thức
- Việt Nam có thể đối phó với thuế 46% từ Mỹ như thế nào?
- Lộ trình hợp lý cho Năng lượng xanh tại Việt Nam
- Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí: Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế bền...
- Ngành đóng tàu Việt Nam: Nhiều cơ hội vươn ra thị trường quốc tế nhờ chi phí cạnh tranh...
Bình luận (0)