Phát triển Cơ khí và Công nghiệp Hỗ trợ

Gần đây khi nói đến phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung và công nghiệp cơ khí nói riêng mọi người chỉ nói đến công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thậm chí một số người còn lầm tưởng công nghiệp hỗ trợ là công nghiệp cơ khí. Bài viết sẽ điểm lại các khái niệm về công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí cũng như các kết quả đem lại khi phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Bài viết cũng thống kê lại một kết quả đạt được trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp tạo sản phẩm hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam trong những năm qua.

   Theo Nghị định 111/NĐ-CP, “Công nghiệp hỗ trợ” là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Như vậy công nghiệp hỗ trợ xuất hiện trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày tới ngành công nghiệp nặng như cơ khí hay ngành công nghiệp cao như công nghiệp điện tử. Ta có thể hiểu công nghiệp hỗ trợ là một phần của mỗi ngành công nghiệp. Ví dụ, trong ngành dệt may, việc sản xuất ra vải, chỉ, khuy, khóa để may ra thành phẩm quần áo thì ngành công nghiệp tạo ra vải, khuy, khóa, chỉ… là công nghiệp hỗ trợ, việc may ra một chiếc áo có thương hiệu lại không phải là công nghiệp hỗ trợ. Hay trong ngành cơ khí, việc chế tạo ra các bánh răng, bu lông, đai ốc, trục, ổ bi… là ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng việc tạo ra một cái máy như chiếc hộp số, chiếc ô tô, nồi hơi, máy phát điện lại là việc tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

   Trong một chừng mực nào đó, đôi khi hơi khó để phân định rõ ràng đâu là sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ, đâu là sản phẩm hoàn chỉnh. Ví dụ, một chiếc động cơ diezen chúng bao gồm rất nhiều các chi tiết như thân vỏ, bánh răng, vòng bi, nắp chặn… có thể được chế tạo bởi nhiều nhà cung cấp và lắp ráp thành chiếc động cơ, nó được bán ra thị trường như một sản phẩm hoàn chỉnh, khi này chúng ta coi nó là sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng nếu chiếc động cơ này khi được lắp vào ô tô, tàu thủy hay một máy nào đó thì chúng ta cũng có thể hiểu nó là sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ. Tất nhiên, khái niệm này chỉ có tính tương đối, chúng ta không cần quá rạch ròi cũng không nên quá nặng nề về câu chữ.

   Về việc nên tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ hay nên tập trung phát triển công nghiệp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh có rất nhiều tranh luận, sau đây tôi xin nêu ra những ưu, nhược của mỗi phương án.

   Về phát triển công nghiệp hỗ trợ có một số ưu điểm sau: thứ nhất, do sản xuất các sản phầm riêng biệt nên nói chung là ngành này thường không yêu cầu công nghệ cao như sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, vốn đầu tư cho dây chuyền sản xuất không lớn, có thể tham gia vào chuỗi cung toàn cầu, đơn hàng thông thường là lớn, có thể nâng cao trình độ, học hỏi, tiếp thu công nghệ trong quá trình tham gia vào chuỗi cung toàn cầu, nó đa phần được thực hiện bởi các công ty vừa và nhỏ, làm cho nền sản xuất của một quốc gia gắn với nền sản xuất toàn cầu. Ưu điểm lớn nhất của việc phát triển công nghiệp phụ trợ là trình độ về thiết kế, chế tạo, quản lý sản xuất, kinh doanh được cải thiện đáng kể, góp phần cho việc tự chủ tạo nên những sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm như đơn hàng phụ thuộc nhà sản xuất nước ngoài, kế hoạch sản xuất phụ thuộc bên mua, cạnh tranh khốc liệt và trên hết là lợi nhuận thường không cao.

   Về phát triển sản phẩm hoàn chỉnh với brand name của riêng mình là niềm mơ ước của mỗi công ty, mỗi quốc gia nhưng đây là việc khó, với các lý do sau: thứ nhất, cần làm chủ được công nghệ mới nhất để thiết kế, chế tạo, mua bán, tích hợp sản phẩm (ví dụ để làm chủ công nghệ chế tạo máy bay, tên lửa đòi hỏi phải có một nền khoa học công nghệ và chế tạo phát triển); thứ hai, sản phẩm phải có tính cạnh tranh về chất lượng và giá thành; và cuối cùng là phải có kinh nghiệm, trình độ, vị thế nhất định để tiêu thụ được sản phẩm. Tuy nhiên, việc tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh có rất nhiều ưu điểm: như phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển được trình độ khoa học công nghệ nước nhà, tự chủ trong phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng… Và điều quan trong nhất là có được lợi nhuận rất tốt, đặc biệt khi so với làm công nghiệp hỗ trợ.      

Sản phẩm CNHT do VN chế tạo.

   Ví dụ, các doanh nghiệp Việt Nam khi làm công nghiệp phụ trợ cho dệt may như làm khuy, khóa, cúc và máy một chiếc áo sơ mi hay một chiếc quần thì được lợi nhuận vài chục cent cho tới vài đô la, nhưng khi chúng ta tạo làm ra chiếc áo sơ mi hay quần âu mang thương hiệu riêng của mình như đã làm tại Việt Tiến, Việt Thắng, May 10 thì lợi nhuận mỗi chiếc có thể đến chục đô la. Hay khi chúng ta làm ra các sản phẩm phụ trợ cho xe Hon đa thì lợi nhuận sau thuế thông thường là 5% cao nhất là 10%, trong khi đó, công ty Honda có thể có lợi nhuận 30% cho mỗi xe bán ra. Đấy là chưa nói đến những sản phẩm phức tạp như tuốc bin gió, hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc, máy bay không người lái, tên lửa…

   Nhìn lại việc phát triển ngành cơ khí của chúng ta trong gần chục năm vừa qua, Việt Nam đã làm tương đối tốt được một vế đầu: phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương đã có tư vấn cho Chính phủ để ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển như Bộ tư vấn Chính phủ ban hành các Nghị định như 111/NĐ-CP, Nghị Quyết 115/NQ-CP, các Quyết định 68/QĐ-CP, 57/2021/NĐ-CP… Bộ đã lập Cổng thông tin điện tử Công nghiệp hỗ trợ trong đó cung cấp thông tin cho các ngành cơ khí, ô tô, xe máy, dệt may, da giày, công nghệ cao… thông tin về thị trường trong nước ngoài nước, thông tin về các văn bản pháp luật, thông tin về các dự án hỗ trợ, thông tin về cơ sở dữ liệu…, mặc dù các thông tin trên chưa thỏa mãn được yêu cầu của người dùng nhưng nó rất hữu ích cho các doanh nghiệp trong ngành CNHT. Trang thông tin này sẽ tốt hơn nếu nó tập trung hơn vào việc kết nối  người mua, người bán, cũng như có phần đánh giá tổng kết kết quả hoạt động của ngành theo từng quý hoặc hàng năm.

   Về phát triển công nghiệp cơ khí để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh trong thời gian qua chúng ta cũng có một số kết quả đáng ghi nhận như: thiết kế chế tạo được thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị cho nhà máy nhiệt điện như hệ thống lọc bụi, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống vận chuyển cung cấp than, hay như nhà máy tuyển cho khai thác bô xít, giàn khoan dầu khí, máy biến thế các loại, thậm chí là cả các nhà máy (nhiệt điện, xi măng) cũng được xây dựng, tích hợp, chế tạo bởi tổng thầu Việt Nam… Các sản phẩm này có chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoài và giá thành rất cạnh tranh. Nhưng đáng tiếc là những sản phẩm này là kết quả của việc định hướng, chuẩn bị từ 20 chục năm trước, trong gần chục năm trở lại đây, Bộ Công Thương, Chính Phủ có vẻ như chưa quan tâm đúng mức tới việc xây dựng chiến lược, cũng như kế hoạch để chế tạo những sản phẩm hoàn chỉnh của giai đoạn này.

   Để có thể hội tụ đủ năng lực phát triển một sản phẩm hoàn chỉnh thông thường đòi hỏi sự chuẩn bị về thời gian, nhân lực, năng lực công nghệ, tài chính và cơ chế chính sách. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc ở giai đoạn như Việt Nam hiện tại thường định hướng như sau: căn cứ trên kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước, với những sản phẩm thị trường nội địa có nhu cầu lớn, họ ra cơ chế, chính sách để nhà nước cũng như doanh nghiệp nội nghiên cứu, mua, làm chủ công nghệ đồng thời họ bảo vệ thị trường trong một thời gian nhất định để doanh nghiệp nội có thể đủ sức cạnh tranh, khi đã tích lũy được năng lực kinh nghiệm các cơ chế chính sách hỗ trợ sẽ được gỡ bỏ một cách phù hợp để tránh sự ỷ lại, mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp nội.

   Các sản phẩm hoàn chỉnh cần đầu tư cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong vài chục năm tới như tuốc bin điện gió, đường sắt cao tốc, đường sắt nội đô, nhà máy điện khí, máy nông nghiệp… được dự báo có giá trị đầu tư hàng trăm tỷ USD, chiến lược, kế hoạch cụ thể để thiết kế, chế tạo, cung cấp trong nước cần được nghiên cứu ngay từ bây giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, để các doanh nghiệp Việt có thể làm chủ thị trường to lớn trong nước. Cũng cần lưu ý rằng lợi ích của việc làm chủ cung cấp thiết bị này không đơn thuần là có công ăn, việc làm cho doanh nghiệp nội mà ở chỗ giảm giá thành đầu tư, tự chủ trong đầu tư, hay cho việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

   Rất mong chiến lược, qui hoạch phát triển sớm được xây dựng, các cơ chế chính sách sớm được ban hành để các doanh nghiệp Việt nói chung, các thành viên của VAMI nói riêng có định hướng trong đầu tư và phát triển.