Bức tranh Cơ khí nội địa, cũng đã nổi lên một số tập đoàn, doanh nghiệp mạnh về tài chính, nắm bắt được cơ hội thị trường, công nghệ, sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng được thương hiệu trên thị trường nhưng vẫn còn nhiều điểm tối cần xử lý.
Phát triển công nghiệp quốc gia vai trò các viện nghiên cứu (ckds.vn)
Quản trị Doanh nghiệp " thời Covid" (ckds.vn)
Làm chủ khoa học công nghệ ngành cơ khí - giải pháp để phát triển (ckds.vn)
Cùng với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là kể từ khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, ngành công nghiệp cơ khí nội địa, đã có một số doanh nghiệp, tập đoàn mạnh về tài chính, nắm bắt được cơ hội, sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Còn đa phần thì các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh rất hạn chế, nếu không muốn nói là yếu kém. Đó là những vấn đề thực tiễn mà chúng ta cần tìm hiểu và phân tích:
Khái quát về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp:
Có rất nhiều khái niệm và định nghĩa về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nó được các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đưa ra trong từng giai đoạn lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của từng nước và trên toàn thế giới. Để phân tích về thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí Viêt Nam đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta tìm và tiếp cận với khái niệm của chuyên gia kinh tế thế giới, nhà quản trị chiến lược Michael Porter (Giáo sư đại học Harvard, “cha đẻ” của học thuyết cạnh tranh hiện đại, đã từng tham gia và chủ trì hội thảo quốc tế tại Hà Nội vào năm 2008, năm 2010, ông đã có phân tích, khuyến nghị về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Viêt Nam, và chú trọng nhiều đến cách thức để tăng năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, tái cấu trúc doanh nghiệp.v.v.): “Năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp có thể hiểu là khả năng chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm cùng loại (hay sản phẩm thay thế) của doanh nghiệp đó. Năng lực giành giật và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ cao thì doanh nghiệp đó có năng lực cạnh tranh cao”.
Bất kỳ là khái niệm nào thì cũng đều cho thấy, năng lực canh tranh của doanh nghiệp trước hết phải được tạo ra từ khả năng, thực lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đánh giá thì không chỉ đánh giá các yếu tố thuộc bản thân doanh nghiệp mà phải đánh giá, so sánh với các đối thủ cạnh tranh hoạt động trên cùng một lĩnh vực, cùng một thị trường. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp phải tạo được lợi thế so sánh, để có thể thỏa mãn tốt hơn các đòi hỏi của khách hàng mục tiêu, cũng như lôi kéo được khách hàng của đối thủ.
Khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay ra sao? Thực tế cho thấy:
Thị trường hiện tại và tiềm năng:
Sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan, cần ở tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nó gắn với mọi hoạt động, đời sống của con người trên khắp hành tinh. Tại Việt Nam, công nghiệp cơ khí lại càng cần hơn lúc nào hết, cần nhanh hơn, mạnh hơn, cần có bước đột phá để bắt kịp với khoa học công nghệ và sự phát triển bùng nổ của kinh tế - xã hội toàn cầu. Đặc biệt là phải đáp ứng và thực hiện vai trò trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vậy nên, nhu cầu về sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan là vô cùng lớn trong tất cả các lĩnh vực như: Nghiên cứu, khai thác, năng lượng, dầu khí, trang thiết bị quốc phòng, hạ tầng kỹ thuật, nông lâm ngư nghiệp, nhà ở, công trình dịch vụ xã hội, y tế, logistics, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, du lịch, các mặt hàng dân dụng.v.v. Như vậy, có thể khẳng định rằng: Hiện tại, cũng như tiềm năng, thị trường của công nghiệp cơ khí là rất lớn, nhất là thị trường trong nước.
Ảnh Minh họa.
Nguyên nhân cơ bản làm cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khó hoặc không thể chiếm lĩnh, giành giật được thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước:
Thứ nhất: Năng lưc để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp của các nước phát triển và doanh nghiệp FDI: Công nghiệp cơ khí là ngành mang tính đặc thù, yêu cầu khoa học công nghệ cao, đầu tư lớn.v.v. Nhưng doanh nghiệp của chúng ta lại có xuất phát điểm thấp và hạn chế, thậm chí yếu kém về nhiều mặt như chiến lược, tài chính, năng lực quản trị, năng suất lao động.v.v. Đặc biệt, là vấn đề khoa học công nghệ, thiết kế kỹ thuật và hầu hết nguyên vật liệu đầu vào, chúng ta vẫn phải nhận chuyển giao, hợp đồng mua từ các nước phát triển trên thế giới. Điều này dẫn tới việc khó đoán định và làm chủ được giá thành sản phẩm, các yếu tố rủi ro trong mọi hoạt động luôn rình rập, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, rất khó để tích tụ và tăng nguồn lực của doanh nghiệp. Trong khi các tập đoàn, doanh nghiệp của các nước phát triển trên thế giới, cũng như các doanh nghiệp FDI đã và đang có mặt làm ăn tai Việt Nam thì họ có bản quyền hoặc có trình độ khoa học công nghệ, kỹ thuật cao và các nguồn lực khác rất mạnh, mang tính vượt trội.v.v. Vậy nên họ đã thâu tóm, chiếm lĩnh đa phần thị trường của sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan nói chung và đặc biệt là ngay tại thị Việt Nam.
Thứ hai: Vấn đề giành giật thị trường giữa các doanh nghiệp nội địa đã tự làm giảm năng lực cạnh tranh của chính mình: Khi đã có thị trường, có hợp đồng, các doanh nghiệp nước ngoài chia nhỏ các hợp đồng lớn, để mở rộng sự tham gia đối với các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều này đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các doanh nghiệp cơ khí nội địa. Cũng vì nhiều lý do khác nhau, ở từng hoàn cảnh cụ thể, doanh nghiệp chúng ta đã ký hợp đồng với giá thấp, thậm chí rất thấp và chấp nhận rủi ro của biến động thị trường. Vậy nên doanh nghiệp rất khó hoặc không có lãi, và có nhiều đơn vị đã bị thua lỗ lớn. Đó là nguyên nhân làm thiệt hại kinh tế và bào mòn dần nguồn lực của từng doanh nghiệp nói riêng và từng bước làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói chung. Câu chuyện đó cũng không phải ngoại lệ đối với nhiều trường hợp mà doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia đấu thầu, có được cơ hội ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng và nhà đầu tư trong nước.
Thứ ba: Đầu tư cơ sở vật chất cho doanh nghiệp trùng lặp, thiếu chiều sâu và tự phát để cạnh thị trường mang tính thời vụ của nhiều doanh nghiệp, làm hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh: Trên thực tế có rất nhiều mặt bằng nhà máy, dây chuyền sản xuất, máy móc chuyên dụng của nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã không phát huy hết công suất, thậm chí có những thứ chỉ phục vụ cho một số ít đơn hàng, hợp đồng mang tính thời điểm, rồi sau đó lại nằm im chờ cơ hội. Và như vậy thì chi phí sản xuất vẫn phải bao gồm cả những thứ không tạo ra sản phẩm, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, năng lực cạnh tranh bị giảm dần theo thời gian. Hơn thế nữa, có những doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất cho một số loại sản phẩm đã định trong các hợp đồng và cam kết cung cấp cho đối tác nước ngoài. Với nhiều lý do khác nhau, doanh nghiệp nước ngoài đó làm ăn đổ bể, phá sản, hoặc khi có những biến động bất lợi về giá cả của nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới, dẫn đến cơ sở vật chất đã đầu tư không phát huy được như tính toán ban đầu, như vậy với doanh nghiệp Việt Nam có nguồn lực còn rất hạn chế thì sẽ rất khó để trụ vững và nguồn tài chính sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.
Chắc chắn còn rất nhiều điều để phân tích, đánh giá về nội dung này. Nhưng như thế cũng đủ để mô tả về năng năng lực cạnh tranh, khả năng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay.
Để tạo cơ hội và nắm bắt cơ hội chiếm lĩnh thị trường, từng bước tăng năng lực cạnh tranh. Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào?
Thứ nhất là vấn đề tạo cơ hội: Dẫu biết, trong nền kinh tế thị trường thì bản thân từng doanh nghiệp luôn phải tự nỗ lực vươn lên, chủ động xây dựng và thực thi các giải pháp tạo ra sức mạnh để chiếm lĩnh thị trường, từng bước tăng năng lực cạnh tranh. Và trên thực tế, các doanh nghiệp cũng đã gồng mình, tìm đủ mọi kế sách, giải pháp để thực hiện mục tiêu mang tầm chiến lược đó. Nhưng sau những chặng đường dài gian khó, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, vẫn chưa có đủ sức mạnh để so sánh được với các doanh nghiệp nước ngoài về khả năng giành giật thị trường, ngay cả là thị trường trong nước. Vậy nên chăng, trong giai đoạn hiên tại: Nhà nước cân nhắc việc xây dựng các chính sách phù hợp, để bảo vệ thị trường trong nước cho các doanh nghiệp cơ khí nội địa, để người làm cơ khí có đủ việc làm. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tích tụ nguồn lực, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì việc nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo, việc nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao.v.v, thì nhanh nhất và tốt nhất, là có cơ hội, có điều kiện để được làm, được trải nghiệm thông qua công việc thực tiễn. Mặt khác, căn cứ vào nhu cầu thị trường trong nước, đề nghị có những chính sách để định hướng việc đầu tư nguồn lực cho từng nhóm sản phẩm, cũng như từng công đoạn tạo ra sản phẩm và các dịch vụ liên quan.
Thứ hai là vấn đề nắm bắt cơ hội: Trước thực trạng, hoàn cảnh và những khó khăn trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp đã rất vất vả, xoay vần để tồn tại. Và kể từ khi COVID-19 xuất hiện, thì khó khăn lại tăng lên bội phần. Vậy nên việc tự rà soát, đánh giá nguồn lực mọi mặt của doanh nghiệp, cũng như việc nghiên cứu đánh giá thị trường lại cần hơn bao giờ hết. Đặc biệt là cần tăng cường liên doanh, hợp tác sâu, rộng, mang tính chiến lược giữa các doanh nghiệp cơ khí nội địa với nhau, hoặc có thể theo từng nhóm. Với mục đích, là để tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất cũng như các nguồn lực đang sẵn có của từng đơn vị, doanh nghiệp, và để tránh hoặc hạn chế đầu tư cơ sở sản xuất trùng lặp cho một nhóm sản phẩm hữu hạn theo thời gian.v.v. Mặc khác, để thích ứng một cách năng động với yêu cầu của thị trường trong bối cảnh COVID-19 và sau đại dịch. Các doanh nghiệp cơ khí chúng ta cũng cần xây dựng và thực thi nhanh, mạnh công việc tái cấu trúc toàn diện như: Thị trường, quản trị, chiến lược, mục tiêu, tài chính, nhân lực, giải pháp.v.v. Để đáp ứng tốt nhất, linh hoạt nhất, cũng như có khả năng nắm bắt được cơ hội trong mọi hoàn cảnh, từng bước tích tụ nguồn lực, tăng sức cạnh tranh.
“Với mong muốn từng doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phát triển để có đủ năng lực cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước,đề nghị các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, những “sếu đầu đàn”, các doanh nghiệp, đơn vị cơ khí hãy cùng nhau phân tích, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác từ sản xuất đến nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực để ngành cơ khí Việt Nam có bước đột phá, bắt kịp với thời cuộc.”
- Một góc nhìn về xuất nhập khẩu 2023 và những vấn đề liên quan đến thực hiện các FTA theo...
- Vận tải đường sắt và Đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam. Những vấn đề nóng.
- Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu
- Tiến bộ đáng kể và đề xuất táo bạo cho công nghiệp hỗ trợ: Cách việt nam định hình tương...
- Xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cơ khí: Động lực cho tăng trưởng kinh...
- Xử lý cánh tua bin điện gió hết hạn sử dụng
- Động lực tăng trưởng mới cho ngành Công Thương
- Cần từ bỏ vốn ODA và kiến tạo thị trường xây dựng đường sắt đô thị cho doanh nghiệp cơ...
- Nhiều ý tưởng, đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp
- Đã đến lúc cần tái cấu trúc cơ cấu kinh tế Việt Nam: cân đối đầu tư, xuất khẩu,…
Bình luận (0)