![]() |
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP - Lilama
Đóng góp giải pháp cho “3 đột phá chiến lược” của Chính phủ
Là một đơn vị lớn có nhiều năm thi công, sản xuất, lắp ráp trang thiết bị máy móc cho nhiều dự án lớn trong và ngoài nước, Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty lắp máy Việt Nam - CTCP- Lilama đã nhiều lần phát biểu với Bộ Xây dựng và Hiệp Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam về những trăn trở trước công cuộc hiện đại hóa xây dựng đất nước. Ông đã vô cùng tâm huyết khi đề xuất một số giải pháp với mong muốn các Bộ ban ngành, các doanh nghiệp cùng có kế hoạch hành động quyết liệt, cụ thể hơn trong việc kiến tạo một Việt Nam hùng cường và tự chủ.
Điều đó thể hiện rõ tinh thần thấm nhuần chỉ đạo tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2022 của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc", càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tại diễn đàn, Thủ tướngcũng đã nhấn mạnh“Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.”
Một tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm, báo chí đã đưa nhiều tin về việc năm 2023 sẽ là giai đoạn đột phá về hạ tầng của cả nước. Nút thắt cho giải phóng mặt bằng đã và sẽ đươc các thành phố và địa phương giải quyết cụ thế, quyết liệt và đồng bộ, nhiều dự án quan trọng đã được khởi động lại, mở ra một giai đoạn mới về phát triển hạ tầng. Chúng ta sẽ thấy một loạt dự án được khởi công năm 2023 như Đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam, Cao tốc Bắc Nam phía đông, Cao tốc Biên Hòa, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Châu Đốc Cần Thơ, Sóc Trăng, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Tp, HCM, các tuyến đường sắt đô thị, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các bệnh viện,…
Tạp chí Doanh nghiệp Cơ khí và Đời sống cùng ông Lê Văn Tuấn có buổi trao đổi về những thực trạng tồn tại của đất nước, thử đi tìm lý do và gợi ý một số giải pháp.
Chuyện nhiều dự án đang thi công giữa chừng thậm chí là gần hoàn thành lại phải “đắp chiếu”, “trùm chăn” không thể thi công tiếp dường như đã quá quen thuộc trong nhiều năm qua, theo Ông, với tư cách là một đơn vị thi công nhiều dự án quan trọng của đất nước, đâu là nguyên nhân gốc rễ cho vấn đề này?
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam- CTCP- Lilama:Tại sao những năm gần đây các dự án lớn đụng tí ách tắc? Có những dự ánbị tắc lạichậm 5-10 năm dù ban đầu trục trặc chỉ nhỏ. Có những dự án vấn đề nằm ở giải phóng mặt bằng vìmôt số hộ dân hoặc vì chính sách định giá chưa rõ ràng, mà bị trì hoãn gâythiệt hại lớn như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông (HN) chậm 5-7 năm, đường sắt ga Nhổn 5-6 năm, Thái Bình 2 hơn chục năm… Trong Tp. HCM, Metro Suối Tiên, Bến Thành,… tắc 7-8 năm, vốn bị tăng,thậm chí đội rất cao.
Nếu bảo người lao động không muốn làm việc- không đúng. Chủ đầu tư, ban quản lý, họ không làm việc, trây ì, không đúng tiến độ…cũng không đúng, bởi ai đã làm tổng thầu cũng muốn nhanh, người lao động có việc, có lương, công ty có doanh số. Và việc này có hay xảy ra không?
Tôi nhớ là khoảng sau năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi Miền Bắc được giải phóng khỏi Thực dân Pháp, Miền Bắc Xây dựng chủ nghĩa xã hội, Miền Nam tiếp tục đánh Mỹ, Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước thay mặt Chính phủ quản lý toàn bộ các dự án xây dựng cơ bản, những công trình này làm nền tảng quốc gia, đại diện cho một tỉnh, một vùng, hay cho cả đất nước trong các lĩnh vực: giao thông, đường xá, cầu cống, nhà máy điện, xi măng, nhà máy thép, nhà máy lọc dầu, đường sắt, ga HN, bệnh viện…Các công trình xây dựng cơ bản này quyết định lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.Lúc đó, Ủy ban Xây dựng cơ bản đứng ra giải quyết tất cả những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Sau đó, Ủy ban xây dựng cơ bản này bị dẹp năm nào (tôi không nhớ) nhưng thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng,Hoàng Trung Hải, tôi vẫnthấy các công trình trọng điểm có Ban chỉ đạo quốc gia.Tôi từng tham gia các dự án,tôi biết cứ mỗi tháng, ông trưởng ban Chỉ đạo thường là một Phó Thủ tướng và đại diện các Bộ Ban ngành tham gia. Ít nhất là Thứ trưởng luôn có mặt tại công trường giải quyết mọi khúc mắcliên quan dự án, kể cả các việc chưa có định mức, đơn giá đều được phép thực hiện theo định mức đơn giá mới.Những việc như đền bù, giải phóng mặt bằng cũng được ông trưởng ban thay mặt Chính phủ giải quyết hết. Ban chỉ đạo này có cả đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ban ngành khác, do đó sau dự án gần như không có hồi tố. Có một Ban chỉ đạo quyết liệt như vậy, gần như chúng ta không bị mất cán bộ.Khi đủ đại diện các bên, nên có sự đồng lòng, nhất trí, nhờ đó, nếu quy chế chưa có, hoặc luật chưa phù hợp, Ban chỉ đạo vẫn họp và chỉ đạo để triển khai dự án đúng tiến độ. Các ví dụminh chứng cho điều đó như dự án Sơn La, vừa thiết kế, vừa thi công, vẫn về trước tiến độ 2 năm. Lai Châu cũng vậy, vốn thiếu, vẫn về trước tiến độ 1 năm, Trung tâm Hội nghị quốc gia, có hơn 20 tháng, vừa thiết kế vừa thi công, có những thứ định mức đơn giá không có nhưng vẫn đảm bảo tiến độ phục vụ kịp Hội nghị Apec.
Hiện nay, các dự án như Gang thép Thái Nguyên, bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai đang bê bết và được Thủ Tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đi kiểm tra rà soát để khôi phục. Tôi thấy thấy trách nhiệm cần phải nói ra, mặc dù đã phát biểu nhiều tại các Hội nghị và nhận được sự đồng tình nhưng cần phải được chia sẻ rộng rãi hơn để đến được các lãnh đạo Đất nước. Có những thứ không được giải quyết thấu đáo, tức thìdự án vướng mắc là đương nhiên. Nói chính xác từ Đại hội khóa 13, dù có Ban chỉ đạo, nhưng tôi không rõ vì lý do gì mà Ban chỉ đạo này rất khác xưa, không quyết liệt, không giải quyết dứt khoát, và không có người dám đứng ra chịu trách nhiệm. Tôi hy vọng năm mới, sẽ có sự thay đổi lớn.
Theo ông, tại sao lại phải có chính sách hay đối xử đặc biệt với các công trình xây dựng cơ bản?Và có cần thiết không vai trò của người "nhạc trưởng"?
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam- CTCP- Lilama: Không có cơ chế ứng xử đúng với những công trình xây dựng cơ bản so với những công trình dân sinh), nếu cơ chế điều hành không thay đổi, thì hết Thái Bình 2 đến Thái Bình 3, Cát Linh này đến Cát Linh khác, hết Nhổn này đến Nhổn khác, hết Bạch Mai này đến Bạch Mai kia,… tiếp tục bị chậm. Ban chỉ đạo Nhà nước khi có đủ các đại diện cả của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT các bên ký với nhau ba mặt một lời không có lợi ích nhóm, không có thiên vị với ai. Tôi xin minh họa vấn đề phải được xử lý như “chia thịt lợn thời bao cấp”. Khi mọi thứ rõ ràng minh bạch và được xử lý dựa trên văn hóa theo triết lý làng xã đối với một công việc lớn, thay đổi nhiều, nếu cứ có ba mặt một lời, có nhiều người chứng kiến từ tất cả các bên thì không có chuyện nghi ngờ, hay lợi ích nhóm ở đây.
Chúng ta đang ở trong cơ chế thị trường, đơn giá định mức lập tại một thời điểm chỉ là khái toán và phải được điều chỉnh theo biến động thị trường. Tôi nhắc lại ta đang ở kinh tế thị trường, phải cho thay đổi miễn là có cơ chế giám sát, không xà xẻo. Nếu thay đổi cách ứng xử và giám sát cho thật tốt chi phí, chống thất thóa, chống tham nhũng thì dự án mới chạy chứ không rất khó. Thay đổi giá là bình thường! Theo cơ chế thị trường, giá cả hàng hóa nguyên vật liệu, giá nhân công phải thay đổi.Chưa kể hàng hóa nhập từ nước ngoài cũng thay đổi.Vi dụ dự án Lọc Dầu Dung Quất cũng vậy, nếu không có Ban chỉ đạo, khó hoàn thành tiến độ. Khi đấu thầu, các nhà cung cấp các thiết bị, máy móc đến từ nước ngoài, đề bài đưa ra là xuất xứ châu âu EU G7, khi triến khai dự án, nhiều nhà thầu phá sản do thời gian thi công quá dài,… nước ngoài cũng có thể phá sản. Chính phủ họp, Chính phủ quyết liệt, quyết định xuất xứ EU G7 nhưng vì hoàn cảnh khách quan thay đổi, họp mọi người đồng ý xuất xứ thay vì thiết kế EU-G7 mà xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc nhưng thiết kế phải từ EU G7. Vì không xuất xứ, sản xuất từ EU-G7 nên chi phí vật liệu và nhân công đều giảm, Tổng thầu có trách nhiệm thương thảo lại để giảm giá, từ đó đủ vật tư, đúng tiến độ dự án. Nếu cứ nguyên tắc hợp đồng đã ký, nguyên tắc đòi thực hiện theo đúng hợp đồng dù thấy không còn phù hợp thì dự án không thể thực hiện được. Cần sự uyển chuyển.
Mới đây Đảng và Nhà nước ra Nghị quyết đấy mạnh Công nghiệp hiện đại hóa đất nước cũng cần phải đưa các công trình xây dựng cơ bản vào. Chính sách thì có nhưng cần sự rõ ràng và ai là người quyết, quyết như thế nào cho đúng pháp luật. Nếu có một Ban chỉ đạo, trách nhiệm rõ ràng, những người thuộc ban này sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về những việc làm của họ. Ban chỉ đạo sẽ đứng ra điều phối giám sát để không xảy ra thất thoát, tham nhũng.
Tôi thấy Đảng cũng có nhiều thay đổi khi xử lý chống tham nhũng: Nếu sai phạm mà không tư túi, được trông trước, miễn chất lượng công việc tốt. Tôi cho rằng, cần có sự minh bạch để mọi công việc được trôi, dự án không bị “đắp chiếu”, tránh tình trạng gây nỗi sợ hãi, hoang mang không ai dám ký, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy chậm ra dự án hơn.
Tại sao Ông gọi Xây dựng cơ bản là khoa học về kinh tế, khoa học về kỹ thuật, và khoa học về xã hội?
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam- CTCP- Lilama: Đó là sự kết hợp cả 3 yếu tố: về mặt kinh tế, không để lãng phí, nhưng phải đảm bảo về mặt kỹ thuật, không bị lạc hậu nhưng về mặt xã hội cũng đảm bảo đưa vào phục vụ người dânđúng thời điểmthì công trình đó sẽ hiệu quả cho đất nước, cho người dân.
Ví dụ nếu đường sắt Cát Linh mà đúng tiến độ thì 5-7 năm nay đã không xảy ra kẹt xe, người dân sẽ đi tàu nhiều hơn, tiết kiệm được bao nhiêu chi phí xăng xe, hạ tầng.Nhất là hai dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức nếu thi công xong sớm, đưa vào đúng tiến độ thì đã tiết kiệm được nhiềuchi phí đi lại của dân và của bệnh nhân từ tỉnh ngoài vào HN.
Tôi nhắc lại Nếu chỉ vì thấy công trình đội giá, dù có lý do hợp lý, khách quan, nhưng dựán vẫn bị cho là không ổn vì hợp đồng đã ký trọn gói. Khi trọn gói, không được tăng giá, không điều chỉnh vì những lý do bất khả kháng, thì chi phí lãng phí còn lớn hơn rất nhiều. Nếu không tăng kinh phí, dư ánchậm 5-7 năm thì chi phí tăng gấp 10 lần cái mức chênh giá kia do đó không đảm bảo cả 3 yếu tố: kinh tế,kỹ thuật lạc hậu và không đáp ứng cả yếu tố xã hội.
Theo quan điểm của Ông, công cuộc hiện đại hóa đất nước có phải chỉ cần phát triển mạnh ngành công nghiệp công nghệ cao? Vậy cần thiết phải khôi phục một số ngành công nghiệp nền tảng nào không? Và cơ chế đặc thù cho nó?
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam- CTCP- Lilama: Đừng nghĩ quá cao siêu! Không cần thiết thấy người ta có gì mình phải làm cái đó. Thế giới phẳng, mình ký nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương về nguyên vật liệu. Không nhất thiết quay lại lò công nghệ cao. Riêng sắt thép cũng có hàng nghìn loại: Hàn Quốc 1000 loại, Nhật Bản 1500 loại và Trung Quốc cũng chỉ sản xuất được 500 loại thôi. Không có, chúng ta có thể nhập, không đáng lo, cái đáng lo là cơ chế nào cho doanh nghiệp trong nước vận hành được. Tôi sang Trung Quốc, Hàn Quốc, họ cũng phải nhập. Vấn đề là tạo ra được những doanh nghiệp trong nước sản xuất hay gia công cũng được. Gia công cũng đã là hạnh phúc! Thị trường toàn cầu, không ai làm hết. Dù có chiến tranh cũng không đáng ngại, không sợ bị đứt chuỗi, cấm vận; không sợ mất nguồn. Vừa rồi còn thiếu hụt một vài nguyên vật liệu là do cơ chế điều hành thiếu linh hoạt thôi.
Vậy Ông có những giải pháp hay đề xuất cụ thể nào?
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam- CTCP- Lilama: Hãy làm những gì có thế mạnh và có giá trị hơn! Quan điểm phát triển phải thay đổi. Công nghiệp hóa hiện đại hóa, hay nghĩ đến cao xa quá, không với được! Khi phát triển quốc gia, phải nghĩ đền Tiềm lực. Tiềm lực như thế nào phát triển như thế ấy. Trong tài chính, người ta gọi là đòn bẩy quá dài. Vay nợ quá lớn, sẽ phát triển nóng. Tiềm lực lớn mà không dám làm, tham vọng nhỏ thì bị cho là hèn. Chúng ta cũng phải có lộ trình và đòn bẩy. Vừa phải thì mới phát triển được, cao quá tạo ra cái bóng quá lớn! Chúng ta sẽ gặp hiện tượng “bóng đè” vì chính nhiều tham vọng quá lớn. Ai bị bóng đè rất đáng sợ và cảm giác khó chịu lắm, bức bối vô cùng. Nền kinh tế phải dựa trên tiềm lực và thế mạnh mà phát huy.
Tôi lấy đơn cử, hãy làm những thế mạnh của mình. Ranh giới giữa nông nghiệp và công nghiệp hiện cũng khá mờ nên cần sự phối hợp nhuần nhuyễn với nhau. Trong nông nghiệp, củ khoai, bắp ngô, quả mít hãy nâng cao giá trị cho nó. Tôi lấy ví dụ: Hàn Quốc và Nhật Bản, họ cũng chỉ có mùa xuân và mùa hạ, những mùa khác vô cùng khắc nghiệt, đặc biệt là mùa đông, tuyết rơi, nông dân không trồng được gì cả. Nhật Bản cũng không có cánh đồng mẫu lớn, cũng ruộng bậc thang đồi núi, hoặc ruộng nhỏ, làm sao cơ giới hóa. Vấn đề người nông dân Hàn và Nhật biết nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Gạo bán rất đắt; Quả dưa lưới mang đi bán đấu giá cao. Đó là cách mà mình cần phải học theo. Nông nghiệp VN, ngoài đồng bằng sông Cứu Long, chúng ta hết đất làm cánh đồng mẫu lớn. Ngoài Bắc, đất thành các khu công nghiệp, tình trạng không khác hai nước trên. Cần các nhà khoa học, các kỹ sư nông nghiệp đưa ứng dụng khoa học cho giống tốt, cần có công nghệ nuôi trồng cao, máy móc công nghệ chế biến hiện đại, quảng bá hình ảnh, bao bì,… tất cả giúpn ông sản Việt Nam có giá trị cao hơn: Gạo ngon nhất, Quả mít, quả dưa ngon ngọt, thơm hơn. Có thế giải cứu mới được chứ hiện dưa hấu của ta nhạt phèo, mít ngâm thuốc,…Xuất khẩu gạo số lượng nhất nhì thế giới nhưng giá trị đang thấp nhất.
Doanh nghiệp trong nước cần phải hết sức được coi trọng: Khủng hoảng chuỗi sản xuất mới biết FDI đang cho công nhân nghỉ, Samgsung tồn kho 50 triệu chiếc điện thoại thông minh vì quá khó khăn, Tết này, người ta tặng những thứ rẻ tiền hơn, nên cho công nhân Việt Nam nghỉ sớm. Tương tự, dệt da, giầy dép, quần áo thời trang cũng vậy, công nhân phải nghỉ sớm trước Tết. Kinh tế đi xuống, người dân không có nhu cầu mua sắm nữa. Phụ thuộc quá nhiều FDI vô cùng nguy hiểm! Phát triển kinh tế phải hài hòa, vẫn cần có FDI có nền công nghiệp công nghệ cao nhưng Doanh nghiệp trong nước vẫn phải là chủ đạo-nếu coi thường doanh nghiệp trong nước, khủng hoảng kinh tế lớn hơn mà không có đơn hàng nào thì hàng triệu công nhân, lao động không có việc. Một thực tế là, Covid, người lao động về quê, sau đó vẫn phải quay lại làm việc vì ruộng nương không còn. Hiện lực lượng lao động trong FDI quá lớn, chuỗi cung ứng thế giới mà suy giảm hơn nữa, thì người lao động của ta sẽ khốn đốn.
Tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp Việt phát triển: Coi trọng doanh nghiệp trong nước, phải đổi mới tư duy: Tạo thị trường, cái.gì làm được là không nhập, cái gì là an ninh quốc phòng thì cũng tạo điều kiện phát triển trong nước. Công nhân Việt Nam còn thừa, chủ đầu tư nước ngoài trúng thầu, Việt Nam ta duyệt nhân sự. Trúng thầu, công nghệ, thiết bị,... cái gì không làm được mới nhập. Trước khi lập dự án, liệt kê các thiết bị ra. Hiệp hội ngành hàng sẽ giám sát thiết bị nào Việt Nam làm được để doanh nghiệp trong nước làm, cái gì không làm được, mới được nhập khẩu. Ví dụ Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam sẽ thông qua danh sách các sản phẩm nào sản xuất được trong nước. Khi các doanh nghiệp nhập hàng về, Hải quan đối chiếu nếu hàng đã đăng ký sản xuất trong nước thì không được nhập.
Tạo việc làm trong nước là quan trọng nhất: Đề nghị kiến nghị Đảng nhà nước hãy coi xuất khẩu lao động là tạm thời đừng coi là dài hạn. Tạo công ăn việc làm cho bà con trong nước. Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp, không có thiếu việc làm mà phải xuất khẩu lao động. Tạo thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, không ai muốn xa gia đình, vợ con để đi làm ăn ở xứ người. Tôi lấy ví dụ: Tổng thống Park Chung Hee, Hàn quốc khi thăm Tây Đức (thời điểm Tây và Đông Đức chưa thống nhất), trong mùa đông giá lạnh Thủ đô Born, nhìn thấy người Hàn Quốc trên đường tuyết trắng, ông yêu cầu xe dừng lại hỏi thăm họ. Trong lúc dừng xe, hỏi thăm và ôm công nhân nước mình, ông hứa sẽ tạo công ăn việc làm cho họ, người nước ngoài sẽ sang Hàn Quốc làm thuê. Người HQ đi làm thuê đa phần các nghề tay chân: y tá, công nhân hầm lò, dọn đường,… họ cảm động khi nghe Tổng thống Park Chung Hee nói “Đất nước đang khó khăn, đang thiếu ngoại tệ, các bạn mới phải đi kiếm ăn, với tư cách Tổng thống tôi hứa mai mốt các bạn sẽ không phải đi ra nước ngoài làm thuê.” Và lời hứa đã trở thành hiện thực từ hơn 10 năm nay. Nhờ tư tưởng của người đứng đầu, các Thủ tướng như Singapore có Lý Quang Diệu, Trung Quốc có Đặng Tiểu Bình với phong trào đổi mới, Singapore với Lý Quang Diệu, Đài Loan Tưởng giới thạch rồi Tưởng Kính Quốc, nền kinh tế đất nước này đã bứt phá thay đổi thần kỳ. Quan trọng các Nhà lãnh đạo này đã tạo các đường ray. Hay như nước Mỹ cũng vậy, không phải lúc nào cũng bầu được Tổng thống giỏi nhất, quan trọng nước Mỹ có đường ray với hệ thống luật pháp tốt, bất kể ai lên điều hành, đất nước vẫn tốt nếu người giỏi thì nền kinh tế đột phá hơn mà thôi.
Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chữ tín: Đây là thứ mà doanh nghiệp của chúng ta làm rất kém. Tôi lấy ví dụ: Mảng xuất khẩu duy trì được quan trọng phải giữ chữ tín, doanh nghiệp Việt Nam đang làm rất yếu, kém điều này: Lô 1 hàng chuẩn, lô 2 tàm tạm, lô 3 quá kém. Do đó,quan điểm của tôi là doanh nghiệp sau khi khó khăn có hợp đồng cần phải giữ chữ tín về chất lượng sản phẩm/dịch vụ, đối tác không cần kiểm tra hay giám sát hàng cũng phải chuẩn. Quan trọng có đơn hàng, được tin tưởng, người lao động có công việc, doanh nghiệp có hợp đồng, nối tiếp hợp đồng, khi có lợi nhuận, có tiền, họ có thể mua hoặc thuê được máy móc công nghệ cao.
Do đó, cần tạo ý thức chất lượng sản phẩm ổn định. Khi tin, đối tác tiết kiệm chi phí không đưa chuyên gia sang, người Việt không được làm bậy. Chi phí cho chuyên gia đắt, nhưng nếu tin nhau, họ sẽ không phải mang chuyên gia sang kiểm tra, giám sát lô hàng,sẽ tiết kiệm nhiều, đơn hàng từ đây mà ra. Vấn đề duy trì được đơn hàng đó hay không mới là sống còn của doanh nghiệp.
Xin trân trọng cám ơn những đóng góp của Ông!
- Một góc nhìn về xuất nhập khẩu 2023 và những vấn đề liên quan đến thực hiện các FTA theo...
- Vận tải đường sắt và Đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam. Những vấn đề nóng.
- Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu
- Tiến bộ đáng kể và đề xuất táo bạo cho công nghiệp hỗ trợ: Cách việt nam định hình tương...
- Xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cơ khí: Động lực cho tăng trưởng kinh...
- Xử lý cánh tua bin điện gió hết hạn sử dụng
- Động lực tăng trưởng mới cho ngành Công Thương
- Cần từ bỏ vốn ODA và kiến tạo thị trường xây dựng đường sắt đô thị cho doanh nghiệp cơ...
- Nhiều ý tưởng, đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp
- Đã đến lúc cần tái cấu trúc cơ cấu kinh tế Việt Nam: cân đối đầu tư, xuất khẩu,…
Bình luận (0)