Luôn xác định và coi trọng hoạt động KHCN là trọng tâm, hiệu quả hoạt động kinh tế phải dựa trên cơ sở hoạt động khoa học công nghệ mang lại, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) vẫn chủ trương gắn liền hoạt động KHCN với các chương trình kinh tế xã hội trọng điểm của đất nước. Tiếp tục tổ chức nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực nhiệt điện khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tự động hóa nhằm bảo đảm cho Viện có lợi thế về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo uy tín cho Viện trên thị trường và tập trung được nguồn lực cho các dự án lớn. Đề xuất các đề tài/dự án KHCN cấp Nhà nước và cấp Bộ trong giai đoạn 2023- 2030 với mục tiêu thiết thực, hiệu quả theo nhu cầu thực tế của các ngành công nghiệp trong và ngoài nước.
Dù thị trường năm nay vẫn đang còn rất khó khăn, nhưng đối với NARIME, đây là thời điểm mà Viện cần tận dụng thời cơ chuyển dịch chuỗi cung ứng của quốc tế sang Việt Nam để nắm lấy cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
Viện cũng mở rộng hơn sang các lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất mang tính xu thế của thời đại như năng lượng, và nguyên liệu và vật liệu mới trong các ngành công nghiệp,… từng bước làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0…. Thực hiện các thủ tục hành chính và quản lý các công việc của Viện thông qua hệ thống E-Office….
Và đây là định hướng phát triển kinh doanh mà Viện nghiên cứu cơ khí đã đang và sẽ triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tiêu chí lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo
Viện Nghiên cứu Cơ khí trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan nghiên cứu triển khai đầu ngành của Nhà nước về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hoá. Trong những năm qua, với việc xây dựng chiến lược phát triển Viện gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế trong nước, kết hợp với sự trợ giúp của ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua các đề tài, dự án KHCN, Viện đã đạt được một số thành công ban đầu trong lĩnh vực thiết kế và chuyển giao công nghệ trong một số dây chuyền thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực công nghiệp.
Để lựa chọn được phương án chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo phù hợp, Viện đã xem xét thận trọng các vấn đề cốt lõi sau:
- Xác định công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo là công nghệ hàm lượng vốn cao;
- Mức độ tiên tiến của công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo là trung bình và/hoặc công nghệ cao;
- Xem xét năng lực vận hành, năng lực tiếp nhận, năng lực hỗ trợ (nuôi dưỡng công nghệ), năng lực sáng tạo của đội ngũ kỹ sư/nhà khoa học của Viện;
- Xem xét lựa chọn đối tượng chuyển giao công nghệ (Bí quyết; Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; Giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ) phù hợp với từng dự án cụ thể để tối đa hóa lợi ích của công nghệ, giảm thiểu tối đa các bất lợi của công nghệ.
Trên cơ sở xem xét các vấn đề trình bày ở trên, tùy từng trường hợp cụ thể, Viện đã xem xét để lựa một trong các phương án chuyển giao công nghệ sau:
- Phương án 1 – Mua trọn gói công nghệ: Phương án này có ưu điểm là rút ngắn được thời gian và chi phí nghiên cứu, phát triển, hiệu quả với những sản phẩm sản xuất loạt lớn; Tiếp cận ngay những công nghệ tiên tiến hơn công nghệ đang có trong nước, đảm bảo việc áp dụng công nghệ thành công ngay từ lần đầu tiên, dễ dàng thuyết phục Chủ đầu tư về việc áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, phương án này này cũng có hạn chế là chi phí mua công nghệ cao (nhiều trường hợp không thể thu xếp được kinh phí để mua công nghệ), trong nhiều trường hợp không mua được công nghệ do bên sở hữu công nghệ e ngại phải chia sẻ thị trường với bên nhận chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, các sản phẩm thường mang tính chất đơn lẻ và khó để mua một công nghệ để dùng cho nhiều loại sản phẩm với các dải đặc tính kỹ thuật khác nhau tùy thuộc vào từng dự án cụ thể. Do vậy, từ trước tới nay trong lĩnh vực dây chuyền thiết bị công nghiệp, Viện chưa thể áp dụng được sản phẩm nào theo phương án này.
- Phương án 2 – Trực tiếp nghiên cứu phát triển công nghệ: Phương án này đòi hỏi thời gian nghiên cứu, phát triển công nghệ tương đối dài (nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn), chi phí nghiên cứu phát triển ở mức độ vừa phải do sử dụng nhân lực giá rẻ ở Việt Nam; Khó tiếp cận được các công nghệ tiên tiến của thế giới; Chưa khẳng định được ngay tính khả thi của công nghệ; Khó thuyết phục được các Chủ đầu tư áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; Tuy nhiên, phương án này sẽ nâng cao được năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ của các kỹ sư/nhà khoa học trong nước. Nhìn chung, phương án này ở Viện Nghiên cứu Cơ khí chỉ áp dụng đối với các công nghệ trung bình.
Một vi dụ theo phương án này là việc nghiên cứu, phát triển Vaccine phòng chống Covid 19 ở Việt Nam thời gian qua đã thể hiện được phần nào đặc điểm của phương án tự nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước.
- Phương án 3 – Kết hợp mua công nghệ và tự nghiên cứu, phát triển công nghệ: phương án này tận dụng được lợi thế của cả 2 phương án 1 và 2, đó là: rút ngắn được thời gian và chi phí nghiên cứu, phát triển; Tiếp cận ngay những công nghệ tiên tiến hơn công nghệ đang có trong nước, đảm bảo việc áp dụng công nghệ thành công ngay từ lần đầu tiên, dễ dàng thuyết phục Chủ đầu tư về việc áp dụng công nghệ mới; Chi phí chuyển giao công nghệ thấp hơn phương án 1; Nâng cao được năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ của các kỹ sư/nhà khoa học trong nước; Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi bên nhận chuyển giao công nghệ phải có năng lực vận hành, năng lực tiếp nhận, năng lực hỗ trợ (nuôi dưỡng công nghệ), năng lực sáng tạo của đội ngũ kỹ sư/nhà khoa học.
Trên cơ sở hơn 60 năm nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa, có đội ngũ kỹ sư/nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu triển khai, có nhiều đối tác trong và ngoài nước, Viện nghiên cứu Cơ khí chủ yếu áp dụng phương án kết hợp mua công nghệ và tự nghiên cứu, phát triển công nghệ. Khi đó, Viện mua kiến thức kỹ thuật/thiết kế cơ sở, dưới sự hướng dẫn hoặc giám sát của chuyên gia nước ngoài tiến hành tính toán, thiết kế chi tiết, thiết kế thi công các hệ thống thiết bị đồng bộ để áp dụng cho các ngành kinh tế trong nước.
Một số thành công ban đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ tại Viện:
Trong lĩnh vực thủy điện, Viện đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương (NSNN hỗ trợ 152000 USD để mua thiết kế dự án đầu tiên). Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành. Đến nay, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công (CKTK) cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW), tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8000[1] tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg[2] sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm, góp phần phát điện sớm 03 năm với thủy điện Sơn La và 01 năm với thủy điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.
Hình 1. Đường ống thủy điện Đa Nhim với cột nước tính toán 900 m |
Hình 2. Thiết kế, chế tạo và cung cấp các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện |
Trong lĩnh vực nhiệt điện, theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025”, Viện được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện. Đến thời điểm hiện tại đã đạt được các kết quả sau: Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”, lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6% và thiết bị tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước; Hệ thống thải tro, xỉ (AHS): Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” đã được ứng dụng thành công tại các dự án nhiệt điện Thái Bình 1, Nghi Sơn 2 với tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 50%, đang tiếp tục mở rộng ứng dụng tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2.
Hình 3. Hệ thống vận chuyển than nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 |
Hình 4. Hệ thống băng tải vận chuyển than |
Hình 5. Sơ đồ điều khiển hệ thống vận chuyển than nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Hình 6. Hệ thống xuất tro bay |
Hình 7. Hệ thống xử lý tro bay |
Trong lĩnh vực năng lượng mới, Viện đã tổ chức các đoàn kỹ sư chuyên ngành tham gia nghiên cứu, khảo sát các nhà máy điện mặt trời được đầu tư tại Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đài Loan và tìm ra giải pháp hợp lý phù hợp với điều kiện trong nước. Viện đã trúng thầu thực hiện gói thầu “Thiết kế, cung cấp lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao và neo” với công suất 47,5 MW cho Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Sau thành công của Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi, Viện đã mở rộng ứng dụng cho công trình nhà máy điện mặt trời trên hồ Tầm Bó, nhà máy điện mặt trời trên hồ Gia Hoét. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường gặp một số khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà thầu nước ngoài về giá cả cũng như bản quyền thiết kế
|
Hình 9. Hệ thống phao nổi nhà máy điện mặt trời |
Trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị môi trường, Viện đã phối hợp công ty MHPS (Nhật Bản) để thực hiện Dự án Dự án “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” đã ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1, Nghi Sơn 2,… với tỷ lệ nội địa hóa hơn 70%.
|
|
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Viện đã chủ động đầu tư về nhân lực, tài chính, hợp tác với các đối tác nước ngoài như để từng bước làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
|
|
|
|
Nhiều sản phẩm KHCN do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Với các thành công trên đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Viện trong việc kết hợp xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn liền với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của đất nước để tạo ra các sản phẩm truyền thống, lâu dài. Bởi có như vậy mới tận dụng được nguồn lực hỗ trợ từ NSNN trong nghiên cứu làm chủ công nghệ các hệ thống khó, phức tạp cho các dự án đầu tiên, để tự chủ trong các dự án tiếp theo góp phần từng bước nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị thế của các nhà khoa học Việt Nam với ý chí tự lực, tự cường trong việc đảm đương các hệ thống có tính chất tương tự trong tương lai.
Tồn tại, hạn chế và kiến nghị trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ
- Luật đấu thầu đang cản trở việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, đặc biệt đối với dây chuyền, thiết bị phức tạp mà Việt Nam chưa sản xuất được phải liên danh với nhà thầu nước ngoài.
Theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu liên danh được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh, tuy nhiên phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu.
Nếu theo quy định này, mãi mãi các doanh nghiệp trong nước không thể có đủ kinh nghiệm để tham gia các gói thầu tương tự trong tương lai vì mình sẽ không bao giờ có đủ yêu cầu năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu.
Thực tiễn triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ cũng như quá trình chuyển giao công nghệ các hệ thống thiết bị đồng bộ ở NARIME cho thấy, con đường ngắn nhất, rẻ nhất để tiếp thu công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam là thực hiện chuyển giao thiết kế, công nghệ thông qua kết hợp thực hiện các Đề tài/Dự án KHCN thông qua việc liên danh với nhà thầu nước ngoài để đấu thầu các dự án mà trong nước chưa đủ năng lực kinh nghiệm. Khi đó, về mặt hình thức, phần thiết kế và công nghệ sẽ được đối tác nước ngoài chuyển giao trong quá trình thực hiện công việc theo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng kinh tế, còn các nhà khoa học Việt Nam thực hiện tiếp thu, học hỏi thiết kế, công nghệ của nước ngoài thông qua thực hiện hợp đồng kinh tế với chi phí rất rẻ (do không phải trực tiếp mua bí quyết công nghệ của nước ngoài), nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Do vậy, cần sửa đổi điều khoản này theo hướng, cho phép thành viên trong liên danh được thực hiện các công việc mình chưa đủ kinh nghiệm trong trường hợp các thành viên còn lại của Liên danh (đã đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) có cam kết sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi thực hiện bởi thành viên này.
- Nguồn cung công nghệ lĩnh vực cơ khí chế tạo còn thiếu và yếu cần có sự giúp sức của Nhà nước.
Đã là thị trường KHCN cần phải có cung và cầu. “Cung” ở đây là các công nghệ được các tổ chức, cá nhân đem ra để chào hàng, “cầu” ở đây là tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua để sử dụng.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, đặc biệt trong lĩnh vực dây chuyền thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực công nghiệp (nhiệt điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sản xuất nguyên vật liệu, khai thác và chế biến khoáng sản, …) hầu hết trong nước chưa có tổ chức, cá nhân nào sở hữu các công nghệ này. Với nguồn cung rất thiếu và nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước lại rất lớn nên đã phải nhập khẩu hầu hết các dây chuyền thiết bị công nghệ từ nước ngoài. Do vậy, cần xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo ra nhiều các tổ chức, cá nhân sở hữu các công nghệ nền trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
- Luật KH&CN hiện hành đang tập trung chủ yếu vào quản lý nhà nước về KH&CN mà chưa tập trung vào chính sách hỗ trợ, phát triển. Do đó, Luật KH&CN sửa đổi trong giai đoạn tới nên tập trung, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động KH&CN; xây dựng các cơ chế ưu tiên và cách thức để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các quy định hiện hành như:
+ Khi xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành kinh tế của Đất nước cần nghiên cứu để lồng ghép các nội dung, mục tiêu KHCN cần đạt được và có cơ chế ưu đãi, lộ trình cụ thể để ưu tiên phát triển các sản phẩm KHCN cho các dây chuyền thiết bị liên quan. Có như vậy, sau một số dự án đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tự thực hiện được các dự án tương tự, giúp cho việc đầu tư các dự án tương tự trong tương lai ở trong nước sẽ tăng tính tự chủ, giảm nhập siêu và tránh bị o ép giá từ các nhà thầu nước ngoài.
Ví dụ như Quy hoạch phát triển điện 8, Quy hoạch phát triển than và khoáng sản, Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng,... Điều này cần được thể hiện trong luật sửa đổi.
+ Quá trình đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện các đề tài KH&CN kéo dài, dẫn đến việc thực hiện các đề tài KHCN mất tính thời sự, không còn đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, thậm chí mất tính khả thi do tiến độ các dự án áp dụng kết quả đề tài nhanh hơn tiến độ đề tài. Do vậy, cần có cơ chế lập kế hoạch, đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn các đề tài nhanh, linh hoạt hơn để đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của thực tiễn.
+ Thực tế, hầu hết các đề tài/dự án KHCN cấp nhà nước không thể thanh toán phần lương chuyên gia nước ngoài do thiếu định mức tiền lương để thuê chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN (ví dụ các đề tài thuộc dự án Giàn khoan Tam đảo 3, Nhiệt điện 600 MW,…). Thông thường chi phí lương chuyên gia nước ngoài do NSNN hỗ trợ chỉ chiếm không quá 10% giá trị lương của hạng mục tương ứng được thanh toán từ vốn đối ứng. Do vậy cần xây dựng các qui định cụ thể, khả thi để thuê các chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN (như có thể cho phần lương chuyên gia này được thanh toán theo chi phí lương chuyên gia của dự án đã được đấu thầu theo quy định)
- Do các qui định về vốn đối ứng và có cam kết địa chỉ ứng dụng khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nên khi đề xuất đề tài rất khó để được phê duyệt thực hiện (các doanh nghiệp không sẵn sàng cam kết áp dụng sản phẩm đề tài và cung cấp vốn đối ứng ở giai đoạn chưa biết rõ về sản phẩm; mặt khác do các qui định của Luật đấu thầu nên nếu doanh nghiệp cam kết vốn đối ứng sẽ không đúng qui định của Luật đấu thầu). Do vậy, cần xem xét lại các qui định về vốn đối ứng và cam kết sử dụng sản phẩm khi tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN để phù hợp với Luật đấu thầu. Nên chăng quy định sản phẩm đầu cuối, có nghĩa là chỉ nghiệm thu sản phẩm khi đã được ứng dụng thành công.
- Do các qui định pháp luật về xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước chưa đầy đủ, khả thi nên các doanh nghiệp lo ngại các thủ tục phức tạp, rườm rà để được áp dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu triển khai. Do vậy, cần ban hành các hướng dẫn phù hợp, khả thi về xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện các nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước để khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức KHCN và doanh nghiệp tham gia thực các nhiệm vụ KHCN.
-Ngoài ra cần xây dựng các cơ chế ưu đãi có thời hạn đối với các dự án sử dụng các sản phẩm KHCN được nghiên cứu thành công nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng kết quả nghiên cứu.
Năm 2023, tiếp tục định hướng đưa trọng tâm hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện vào các lĩnh vực chính như: thiết kế và cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, điện mặt trời, hệ thống thiết bị cho khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, đồ gá và thiết bị trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xe máy, nhà kho thông minh... Tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển mảng công việc truyền thống như cung cấp phụ tùng thay thế, dịch vụ bảo hành, bảo trì cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng, hóa chất... Từng bước mở rộng hoạt động thiết kế, cung cấp dây chuyền thiết bị đồng bộ; thiết bị, phụ tùng cho các doanh nghiệp trong nước và có định hướng đến xuất khẩu.
[1] Số liệu tổng hợp từ hợp đồng cung cấp CKTC các công trình thủy điện do các đơn vị trong nước thực hiện.
[2] Giá bình quân của các công trình thủy điện Đa Mi, Hàm Thuận, Đa Nhim, Sê San 3A trước 797/400
- Một góc nhìn về xuất nhập khẩu 2023 và những vấn đề liên quan đến thực hiện các FTA theo...
- Vận tải đường sắt và Đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam. Những vấn đề nóng.
- Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu
- Tiến bộ đáng kể và đề xuất táo bạo cho công nghiệp hỗ trợ: Cách việt nam định hình tương...
- Xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cơ khí: Động lực cho tăng trưởng kinh...
- Xử lý cánh tua bin điện gió hết hạn sử dụng
- Động lực tăng trưởng mới cho ngành Công Thương
- Cần từ bỏ vốn ODA và kiến tạo thị trường xây dựng đường sắt đô thị cho doanh nghiệp cơ...
- Nhiều ý tưởng, đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp
- Đã đến lúc cần tái cấu trúc cơ cấu kinh tế Việt Nam: cân đối đầu tư, xuất khẩu,…
Bình luận (0)