“Kết nối cùng phát triển” trong Kỷ nguyên số

           Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, ngành cơ khí chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hầu hết các quốc gia phát triển hùng cường trên thế giới đều có một ngành cơ khí rất phát triển bởi đây thực sự là ngành công nghiệp xương sống của một quốc gia.

Tiềm năng phát triển và thực tế

            Theo Báo cáo đánh giá của ngân hàng Natixis (Pháp), Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất của khu vực, thay thế Trung Quốc khi dòng đầu tư chuyển hướng ra khỏi đại lục, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đang và tiếp tục đầu tư lớn tại đây. Ngành Công nghiệp sản xuất cơ khí ở Việt Nam có tiềm năng phát triển mở rộng bởi môi trường kinh doanh, hạ tầng thuận lợi, điều kiện an ninh chính trịổn định, lực lượng lao động dồi dào, đặc biệt người thợ cơ khí của Việt Nam luôn được thế giới đánh giá cao về tay nghề và chi phí nhân công tương đối thấp.

Ảnh minh họa: Khai thác được sức mạnh của công nghệ và kết nối số, doanh nghiệp sản xuất sẽ đẩy nhanh được tốc độ phát triển của mình

            Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế rằng, ngành cơ khí nước nhà chưa thực sự phát triển xứng tầm như tiềm năng.Thậm chí, cơ khí còn đang bị đánh giá là ngành khá chậm chạp trên con đường hội nhập, chịu thua thiệt ngay chính trên sân nhà. Chính bởi sự manh mún, lạc hậu, thiếu kết nối, rất nhiều doanh nghiệp trong nước phải đương đầu với những thách thức lớn, vấp phải sự canh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài, không vượt qua được các rào cản khi tham gia vào các dự án đầu tư chế tạo, lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng,…

            Nguyên nhân thì có nhiều, chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, thiếu thông tin thị trường, năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh; chưa xây dựng được thương hiệu tốt để được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến; chưa biết cách kết nối hệ sinh thái các doanh nghiệp cùng ngành. Trong một dịp đi thăm một khách hàng, tôi thấy doanh nghiệp này đã đầu tư một máy lốc ống lớn dày tới 30-40 ly với tổng chi phí lên tới 5 triệu USD, tuy nhiên, hệ thống máy chỉ được sử dụng chính cho một vài dự án, thời gian không sử dụng khá nhiều. Trong khi đó, một doanh nghiệp khác không hề biết về việc này, lại phải gia công từ nước ngoài với một chi phí rất lớn. Vậy, vấn đề thực sự nằm ở đâu? Đó chính là sự thiếu kết nối, thiếu thông tin, dẫn đến lãng phí cho không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả toàn ngành cơ khí.

Ảnh minh họa: Liên kết chuỗi doanh nghiệp trong đặt rập vỏ và lắp ráp ô tô tại Thái Lan                     

            Nhìn sang bên nước bạn Thái Lan, năm 2016, tôi có điều kiện sang làm việc và được chứng kiến cách họ sản xuất kinh doanh. Một nhà máy lắp ráp ô tô của Nhật đặt rập vỏ ô tô từ một Nhà máy gia công bản địa, toàn bộ chuỗi cung ứng từ Nhà máy cung cấp thép, logistics just-in-time được một Công ty thương mại nội đia khác thực hiện. Tất cả các khâu trong chuỗi được chuyên môn hoá và rất minh bạch từ đầu vào, chi phí ở mỗi khâu. Nhà máy lắp ráp tập trung lắp ráp, nhà máy gia công tập trung làm vỏ để giao đúng hạn theo ngày, Công ty thương mại tâp trung vào nguồn hàng và kiểm soát logistics giao theo tuần. Khi một biến động bất thường diễn ra, ngay lập tức họ thông tin cho nhau và cùng đưa ra biện pháp giải quyết hiệu quả. Cả chuỗi cung ứng vận hành rất tối ưu vì đều chuyên môn hóa cao.

            Trung Quốc thì chẳng phải nói ai cũng biết, họ phối hợp với nhau tốt như thế nào. Khi chúng tôi đi tìm hiểu thị trường sản xuất hàng gia dụng tại một tỉnh của Trung Quốc, chúng tôi đến gặp một Doanh nghiệp chuyên sản xuất bếp ga, khi hỏi sang các sản phẩm tương tự khác, ông chủ vui vẻ gọi điện mời 3 ông chủ khác đến cùng làm việc, ăn tối. Ai cũng rất nhiệt tình trao đổi, giới thiệu những gì họ biết. Hoá ra, họ làm việc theo cách phối hợp với nhau để chia miếng bánh lớn chứ họ thực sự không cạnh tranh trực tiếp với nhau.

            Và chúng ta có thể hiểu lý do tại sao ngành Cơ khí của Trung Quốc và Thái Lan - những đất nước láng giềng của chúng ta - lại phát triển mạnh mẽ như vậy.

Tại Việt Nam, năm 2017 khi chúng tôi có dịp đến thăm Tập đoàn Trường Hải (Thaco) tại KCN Chu Lai (Quảng Nam), họ đã cho xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và kêu gọi các Doanh nghiệp Cơ khí cùng hợp tác phát triển. Nhưng sau đó, có rất ít Doanh nghiệp tham gia được.Và đến giờ, họ cơ bản đã tự làm hết các công đoạn trong chuỗi gia công của mình, kể cả gia công kết cấu nhà xưởng.

Vậy làm thế nào để ngành cơ khí Việt Nam có thể phát triển?

            Tất nhiên, ai cũng hiểu để ngành Cơ khí Việt Nam có thể phát triển phải kết hợp rất nhiều yếu tố lại với nhau, từ chính sách vĩ mô của Nhà nước, đến sự nỗ lực của mỗi Doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến một yếu tố mới có thể là động lực tạo đột phá cho ngành trong tương lai - sức mạnh của kết nối số.

            Với sự bùng nổ của nền công nghiệp 4.0 và công nghệ số, sự kết nối trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Việc gia nhập các nền tảng số có tác động lớn đến đời sống, xã hội nói chung và hoạt động SXKD của doanh nghiệp nói riêng. Đến nay, Doanh nghiệp đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi nhận thấy rằng phương thức kinh doanh truyền thống đã kém hiệu quả và việc kết nối giao thương trên môi trường số là một yêu cầu sống còn.Đặc biệt, đối với một quốc gia đi chậm hơn thế giới như chúng ta, chỉ có một cách duy nhất để đẩy nhanh tốc độ phát triển là khai thác lợi thế của cuộc cách mạng công nghệ này.

            Các nền tảng kết nối số ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hai xu hướng rõ nét nhất mà chúng ta đều nhận thấy sự phát triển bứt phá là Thương mại điện tửMạng truyền thông xã hội.

            Hai mô hình này hoàn toàn khác nhau. Trong khi Thương mại điện tử là môi trường số diễn ra các hoạt động thương mại từ quảng cáo, tìm kiếm, tiếp cận khách hàng đến giao dịch mua bán, thanh toán, giải quyết khiếu nại,… và người bán phải trả những khoản phí chiết khấu cho nền tảng; thì Mạng truyền thông xã hội lại thiết lập cộng đồng với số lượng người dùng đông đảo, khả năng tương tác và chia sẻ thông tin cao. Mạng truyền thông xã hội đóng vai trò như một kênh tiếp thị, marketing trực tuyến phổ biến và hiệu quả mà người dùng không phải mất khoản phí nào. Theo khảo sát của Q&Me Vietnam Market Research, trong số các phương thức tiếp thị số, tiếp thị marketing trên mạng xã hội là phổ biến nhất, với 84% người được khảo sát đang sử dụng phương pháp này, vượt xa so với các phương thức khác.

Có rất nhiều nền tảng đa phương tiện để tận dụng khi sửdụng Mạng truyền thông xã hội làm sự hiện diện trực tuyến của doanh nghiệp như Facebook, LinkedIn, Twitter, YouTube, Google+, Instagram, Pinterest,... Mới đây nhất tại Việt Nam chứng kiến sự ra đời của nền tảng kết nối ngành cơ khí chế tạo tại Việt Nam - Mekan.vn.

Tại sao mạng truyền thông xã hội lại phổ biến và hữu ích đến vậy?

            Thứ nhất, nhanh chóng và tiết kiệm. Doanh nghiệp có thể thiết lập một cách đơn giản và hầu hết đều không mất phí.

            Thứ hai,thu hút người dùng từ chính sự quan tâm của họ. Bằng cách tham gia mạng truyền thông xã hội, doanh nghiệp có thể tiếp cận với hàng nghìn người dùng tiềm năng trong tương lai, cho phép dễ dàng giao tiếp và xây dựng những mối quan hệ thông qua đó.

            Thứ ba, xây dựng thương hiệu. Người dùng, khách hàng tiềm năng có thể tìm hiểu thêm về sản phẩm, dịch vụ, dự án của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp giữ chân khách hàng và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

            Thứ tư, giúp cho doanh nghiệp tăng cơ hội kết nối hợp tác, giao lưu, xây dựng liên kết chuỗi, và phát triển ổn định bền vững.

            Đã đến lúc tất cả chúng ta, những doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cần thay đổi tư duy và cách làm, bứt phá trong chính chiến lược phát triển, để cùng nhau kết nối, hợp tác cùng phát triển.Thay vì những cách làm truyền thống đã lỗi thời, chúng ta cần đổi mới để có những cách làm thực sự hiệu quả hơn, nhất là trong thời đại công nghệ số này. Chỉ có vậy, chúng ta mới tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong một thị trường đầy biến động và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay./.

Nguồn tham khảo:

(1) Deloitte.2020 Accelerating smart manufacturing.

(2) McKinsey. Manufacturing reimagined: from improved productivity to profitable growth.

(3) Q&Me Vietnam Market Research